Chỉ trích Cải_tạo_Paris_thời_Đệ_nhị_đế_chế

Ý đồ của chính quyền độc tài

Một số nhà chính trị đương thời đã buộc tội Napoléon III dùng việc cải tạo Paris để làm bình phong cho kế hoạch bố trí cảnh sát của chính quyền độc tài. Theo đó việc xây dựng những con đường lớn chỉ nhằm mục đích chính là tạo thuận lợi cho sự di chuyển của các đoàn quân còn việc nắn thẳng các con đường chỉ giúp bắn thẳng đại bác vào đám đông trong trường hợp có biểu tình.

Những công trình của cuộc cải cách sau này đã cho thấy rõ ràng Napoléon III không chỉ dừng lại ở mục đích an ninh, các con phố và hệ thống dịch vụ công cộng được xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân Paris nhiều hơn là tạo thuận lợi cho việc đàn áp các cuộc biểu tình.

Phá vỡ cân bằng xã hội

Mặc dù một phần nguồn gốc kế hoạch cải tạo Paris là xuất phát từ ý tưởng mang tính xã hội của Napoléon III, nhiều nhà quan sát thời bấy giờ lại cho rằng dự án của Haussmann đã gây ra tác động xấu đối với dân số và xã hội của thành phố. Louis Lazare, tác giả của tác phẩm quan trọng Từ điển hành chính và lịch sử các con đường, công trình Paris (Dictionnaire administratif et historique des rues de Paris et de ses monuments), vào năm 1861 đã đưa ra nhận xét rằng các dự án của Haussmann đã thu hút về Paris quá nhiều dân nghèo và làm số người nhận trợ cấp xã hội tăng quá mức[3]. Thực tế, Haussmann cũng đã áp dụng một số biện pháp để tránh việc dòng người tìm việc đổ xô về thành phố.

Từ thập niên 1850 một số chỉ trích lại nhằm vào các tác động của sự cải tạo đối với kết cấu xã hội của Paris. Có một số người cho rằng những đơn vị nhà kiểu cũ của Paris chính là tổng hợp của hệ thống cấp bậc trong xã hội Paris: Giới tư sản (bourgeois) ở tầng 3, viên chức ở tầng 4 và 5, người làm nghề nhỏ ở tầng 6, sinh viên và người nghèo ở tầng áp mái. Kết cấu đa dạng này đã bị phá vỡ sau những cải cách của Haussmann vì hai nguyên nhân chính:

  • Việc cải tạo trung tâm thành phố đã dẫn tới giá thuê nhà tại đây tăng cao và đẩy các gia đình nghèo ra các quận ngoại vi. Có thể thấy rõ điều này qua thống kê dân số của một số quận Paris[4]:
Quận186118661872
Quận 189 51981 66574 286
Quận 695 93199 11590 288
Quận 1775 28893 193101 804
Quận 2070 06087 84492 712
  • Một số lựa chọn của quá trình đô thị hóa đã góp phần vào sự mất cân bằng về cấu trúc xã hội Paris giữa phía Tây, giàu, và phía Đông, nghèo. Không có khu phố nào nằm ở phía Đông Paris được hưởng lợi từ sự thiết lập các đại lộ lớn xung quanh quảng trường Étoile tại quận 16quận 17. Vì vậy cuối cùng thì những người dân nghèo vẫn lại tập trung trong các khu phố nằm ngoài cuộc cải tạo.

Đáp lại những chỉ trích này, Haussmann đã đưa ra việc rừng Vincennes được thiết lập để cung cấp chỗ nghỉ ngơi cho người dân thuộc tầng lớp lao động tương đương với rừng Boulogne. Thêm nữa, các khu phố được đổi mới dưới thời Haussmann cũng có rất ít người thuộc tầng lớp trên đến ở.

Thất bại tài chính

Cho đến cuối thập niên 1860, công trình cải tạo Paris bắt đầu gặp rắc rối về tài chính. Việc sáp nhập các xã ngoại vi vào địa phận Paris năm 1860 và xây dựng mới cho các khu vực này còn tốn kém hơn việc xây dựng ở trung tâm Paris, khoản ngân sách dự kiến ban đầu nhanh chóng thiếu hụt so với nhu cầu của cuộc cải tạo. Mặt khác, việc Napoléon III dần mất đi quyền lực tối thượng cũng gây khó khăn cho quá trình trưng dụng đất trong nội thành Paris để tái quy hoạch khi chính phủ và tòa án thường đưa ra các quyết định có lợi cho chủ sở hữu các tòa nhà hơn là cho Haussmann.

Thêm vào đó việc kéo dài cải tạo lớn Paris tới 20 năm đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân thành phố. Jules Ferry đã viết một loạt bài báo với tựa đề Les Comptes fantastiques d’Haussmann[5] để tố cáo tham vọng phóng đại của các dự án mới nhất và sự bất ổn về mặt tài chính của toàn công trình. Thực tế thì các dự án này được cung cấp tài chính không qua các khoản vay mà qua các khoản ủy thác của Quỹ xây dựng Paris vốn nằm ngoài sự kiểm soát của nghị viện Pháp.

Cuối cùng năm 1870 Haussmann bị sa thải, chỉ vài tháng trước khi Đệ nhị đế chế chấm dứt. Các khoản nợ của công trình sau đó đã nhanh chóng được giải quyết dưới thời Đệ tam cộng hòa.